Thoát vị đĩa đệm, có thực sự cần phẫu thuật không?

Chị Kim (53 tuổi, nữ), nhân viên văn phòng, trên đường đi làm về đã va chạm với chiếc xe tải 1 tấn đang chạy đến từ phía sau khi chị dừng chờ đèn giao thông trước vạch cho người đi bộ ở ngã tư. Sau vụ tai nạn, chị Kim thấy đau nhói bắt đầu từ sau gáy lan dần xuống cánh tay phải và kèm theo là những cơn đau như thể có dòng điện chạy qua; khi đó do hoàn cảnh nên chị đã không đến bệnh viện khám. Ngày hôm sau, khi chị chuẩn bị gội đầu để đi làm thì thấy cánh tay phải cử động không được thoải mái và các đầu ngón tay bị tê nặng hơn. Chị Kim được chẩn đoán có khả năng bị liệt toàn thân và cần phải phẫu thuật gấp, nhưng để chắc chắn hơn, chị Kim đã thử đến khám ở bệnh viện khác, và rất bất ngờ khi nhận được ý kiến rằng chị không nên phẫu thuật mà nên thử phương pháp trị liệu thủ công trong hai tuần.

Những trường hợp như này, bệnh nhân thường chỉ biết phàn nàn tại các phòng khám. Gần đây, ngày càng nhiều người bị thoát vị đĩa đệm cổ không chỉ bởi những chấn thương như này mà còn do việc sử dụng các thiết bị thông minh trong thời gian dài. Vậy nhưng, thoát vị đĩa đệm cổ là một trong những căn bệnh mà hầu hết ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần nhưng không dễ để được giải thích một cách cặn kẽ. Dưới sự hỗ trợ của Giáo sư Seok Sang-yoon thuộc Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình tại Bệnh viện Đại học Daejeon Eulji, hãy cùng tìm hiểu về bệnh thoát vị đĩa đệm, căn bệnh hiện đang trở nên phổ biến ở người hiện đại.

Thoát vị đĩa đệm cổ là gì?

Đĩa đệm hay đĩa đệm cổ là bộ phận có cấu trúc đóng vai trò lớp đệm giữa các đốt sống cổ của cơ thể chúng ta. Khi những đĩa đệm cổ này bị nứt, rách và lồi ra ngoài, và khi các gai xương mọc lên ở các khớp cổ thì được gọi là bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Như trường hợp nói trên, bệnh có thể xuất hiện do tai nạn, nhưng thông thường, nguyên nhân lớn nhất là do lão hóa. Trong quá trình lão hóa - bắt đầu từ sau tuổi dậy thì, vùng đĩa đệm cổ cũng dần dần biến đổi và có thể phát triển thành bệnh.
Giáo sư Seok Sang-yoon, Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình tại Bệnh viện Đại học Daejeon Eulji cho biết: “Nhóm tuổi phổ biến nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ do lão hóa là những người trung niên ở độ tuổi 40 trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây do sử dụng máy tính, điện thoại thông minh nhiều nên tình trạng thoát vị đĩa đệm ở những người trẻ tuổi ngày càng nhiều, do đó chúng ta cần chú ý hơn”.

Bệnh ở cổ nhưng xuất hiện cả triệu chứng ở vai và tay chân?

Các triệu chứng do thoát vị đĩa đệm cổ gây ra có thể được chia thành ba loại chính. Đầu tiên là sẽ có triệu chứng đau cổ và xuất hiện những hạn chế trong phạm vi chuyển động làm giảm cử động vùng cổ. Thứ hai là bệnh lý rễ thần kinh do rễ thần kinh - một nhánh của dây thần kinh của dây thần kinh cột sống bị chèn ép dẫn đến tình trạng đau, tê hoặc yếu ở vai, cánh tay hoặc ngón tay. Thứ ba, bệnh lý tủy sống do chèn ép các dây thần kinh cột sống có thể gây suy giảm chức năng hoạt động và vận động của tay và chân. Điều quan trọng nhất trong số các triệu chứng này là những triệu chứng do bệnh lý tuỷ sống gây ra. Tủy sống là dây thần kinh lớn đi từ não xuống đến các cánh tay và chân của cơ thể, khi dây thần kinh này bị đĩa đệm ở cổ chèn ép và không thực hiện được chức năng của nó thì được gọi là bệnh lý tủy sống. Rất khó để chẩn đoán bệnh này vì những triệu chứng của bệnh lý tủy sống chỉ xuất hiện ở khoảng 30% bệnh nhân. Trong số đó, các triệu chứng phổ biến gồm có cử động tay không tự nhiên và rối loạn dáng đi. Do cử động tay kém nên bệnh nhân bệnh lý tuỷ sống thường làm rơi đũa hoặc đồ vật, chữ viết cũng hay bị thay đổi. Rối loạn dáng đi ở chi dưới có thể khiến chân bị vấp, có cảm giác như đi trên mây và ngược lại, chân bị cũng hay bị tê cứng.

Hãy đến bệnh viện sớm chứ đừng mặc kệ bệnh

Trong số các đĩa đệm cổ, chỉ có một số trường hợp nhất định bắt buộc phải phẫu thuật. Đặc biệt, những bệnh nhân đau cổ đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn và kết quả phẫu thuật kém thì nên ưu tiên điều trị bằng thuốc và vận động trị liệu. Ngay cả trong trường hợp bệnh lý rễ thần kinh, điều quan trọng là phải ưu tiên điều trị bảo tồn vì 70% bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc hoặc tiêm. Ngược lại, đối với trường hợp bệnh lý tủy sống, điều trị bảo tồn không đáp ứng tốt và dây thần kinh bị tổn thương khó phục hồi sau phẫu thuật nên cần thực hiện điều trị giảm áp cho dây thần kinh cột sống thông qua điều trị ngoại khoa càng sớm càng tốt.

Có nhiều bệnh nhân lo ngại việc phẫu thuật sau khi nghe những câu như “Phẫu thuật cổ rất nguy hiểm, tuyệt đối đừng phẫu thuật”, “Phẫu thuật hỏng có thể gây bại liệt”,... Tuy nhiên, thay vì chỉ dựa vào thông tin như này, chúng ta cần có thái độ tích cực hơn đối với việc điều trị trong trường hợp cần thiết. Đối với bệnh nhân bệnh lý tủy sống, có trường hợp do trì hoãn việc phẫu thuật, triệu chứng rối loạn dáng đi trở nên nặng hơn dẫn đến không thể đi lại, phải ngồi xe lăn tìm đến bệnh viện.
Đối với các bệnh lý rễ thần kinh khác, chúng thường đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc hoặc điều trị bằng tiêm, nhưng nếu trong trường hợp những phương pháp điều trị này không hiệu quả mà bệnh nhân bỏ mặc bệnh trong hơn 3 tháng thì sau đó dù có phẫu thuật, các triệu chứng như tê hoặc giảm chức năng vận động có thể vẫn sẽ xuất hiện sau phẫu thuật.

Giáo sư Seok Sang-yoon, Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình tại Bệnh viện Đại học Daejeon Eulji cho biết: “Nếu bạn có các triệu chứng về đĩa đệm ở cổ, đừng bỏ qua chúng. Nếu sớm đến bệnh viện và được bác sĩ chuyên khoa điều trị, bạn có thể lấy lại sức khỏe của mình. Ngoài ra, theo báo cáo chuyên ngành, tỉ lệ biến chứng nặng trong quá trình phẫu thuật là dưới 1% nên chúng ta cần có cái nhìn tích cực hơn đối với việc điều trị. Gần đây, phẫu thuật cột sống cổ được thực hiện bằng kính hiển vi siêu nhỏ để quan sát các dây thần kinh cột sống có kích thước 1cm, vì vậy việc phẫu thuật đã đảm bảo an toàn hơn”.

Nguồn | Giáo sư Seok Sang-yoon của Bệnh viện Đại học Eulji

Other Article