Thói quen đi bộ muôn màu muôn vẻ, làm thế nào để đi bộ một cách lành mạnh?

Dáng đi của mỗi người là muốn hình muôn vẻ cũng giống như khuôn mặt, thân hình, tính cách của mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cần phải kiểm tra xem dáng đi có đúng hay không ít nhất là một lần vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình chứ không nên chỉ coi đó là cá tính của bản thân mình. Đó là bởi vì thói quen đi bộ sai ảnh hưởng xấu đến vai, lưng, cột sống, bàn chân…

Câu1. Dáng đi khác nhau, làm thế nào để sửa lại?

Có nhiều người thường kéo lê giày dép khi đi bộ. Mặc dù đây là thói quen đi bộ thường thấy ở những bệnh nhân khó kiểm soát vận động như những người bị bệnh Parkinson nhưng thói quen đi bộ kéo lê giày dép này cũng có thể thấy ở những người bình thường bị béo bụng nhưng cơ mông bị yếu do bệnh béo phì. Ngoài ra cũng có thể thấy ở những phụ nữ có cơ bụng yếu. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, hãy nâng cằm và nhìn về phía trước khoảng 30m, đồng thời cố gắng tiếp đất bằng gót chân khi mở rộng chân. Việc giải quyết tình trạng béo bụng tất nhiên cũng rất quan trọng.

Những người đi bộ với phần trên cơ thể nghiêng về phía sau và hai chân bắt chéo nhau như người mẫu là do trọng tâm của họ bị nghiêng về phía sau và đi bộ không có cảm giác ổn định. Sau khi đi bộ còn có cảm giác bị cứng vai. Những người này có cột sống bị cong vẹo, những người thường đeo túi xách ở 1 bên vai cũng thường có dáng đi như vậy. Nếu thuộc trường hợp này bạn nên hơi ấn bụng dưới xuống để đường cơ thể được mở ra một cách tự nhiên. Bạn cũng nên bước đi với khoảng cách giữa hai đầu gối cách xa nhau.

Cũng có những người đi bộ nghiêng ngả trái phải như chim cánh cụt. Nếu bạn đi trên đường mà hay va chạm với người khác một cách bất thường thì bạn sẽ thuộc loại này. Kiểu người này thường có cằm nhô cao, vì vậy cần giữ cho cằm thẳng về phía trước và khi đi cần phải mở lồng ngực ra.

Câu2. Những tác động xấu của thói quen đi bộ sai cách là gì?

Dáng đi sai tư thế không chỉ trông bất thường mà còn tiêu hao nhiều năng lượng hơn, dễ khiến cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra nếu bạn tiếp tục đi bộ với tư thế như vậy sẽ gây ra thoái hóa và đau ở khớp cổ chân, đầu gối và đùi, bất thường ở vùng chậu và các bệnh cột sống. Vì thế cần phải xác định sớm nguyên nhân của dáng đi bất thường để điều chỉnh hoặc điều trị cho phù hợp.

Những phụ nữ thích đi giày cao gót, những người có bàn chân bẹt, những người bị chứng ngón chân cái vẹo trong cần đặc biệt chú ý đến dáng đi của mình. Đó là bởi vì phụ nữ đi giày cao gót có xu hướng chuyển trọng lượng của họ về phía trước và vào trong khi đứng hoặc đi bộ, người có bàn chân bẹt hoặc bị chứng ngón chân cái vẹo trong sẽ ở mức độ nặng hơn và có thể gây ra đau đớn ở gốc ngón chân hoặc ngón chân cái. Trong trường hợp này, các triệu chứng có thể được cải thiện bằng cách giảm tần suất đi giày cao gót, kéo giãn và chỉnh sửa dáng đi theo định kỳ.

Ngoài ra, trường hợp những người đi bộ với tư thế ngửa ra sau và hai chân hướng ra ngoài có khả năng cao là bị hội chứng khớp cột sống hoặc ống tủy sống bị hẹp dẫn đến đau lưng.

Ngoài ra gần đây số người đến bệnh viện điều trị tăng lên do bị “hội chứng lệch hàng trục chi”, không đạt được sự đối xứng hai bên trái phải khi đi bộ cho dù không có vấn đề gì đặc biệt gây ra sự khác biệt về chiều dài của hai chân.

Khi đi bộ nếu bạn cảm thấy một bên chân luôn phát ra tiếng to hơn khi đặt chân xuống, hoặc một bên giầy dép luôn mòn trước, hoặc gót giầy bị mòn ở phía trong hoặc ở phía ngoài trước thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay cả khi bản thân bạn không cảm thấy dáng đi có gì bất thường.

Câu3. Cách đi bộ đúng là gì?

Việc “đi bộ” nhìn thì có vẻ rất dễ nhưng nó là một quá trình phức tạp trong đó tất cả các cơ và khớp của chi dưới chuyển động hài hòa và đồng thời để di chuyển trọng tâm của cơ thể. Đó là lý do tại sao việc đi bộ đúng tư thế là rất quan trọng.

Dáng đi lý tưởng phải là chuyển động một cách tự nhiên trên dưới trái phải và không bị đau lòng bàn chân quá nhiều ngay cả khi đi bộ đường dài. Ngoài ra khi đi bộ bạn nên tiếp đất từ phía gót chân rồi sau đó đến giữa bàn chân (vị trí ngoài cùng), rồi mới đến gốc ngón chân.

Điều quan trọng nữa là giữ thẳng ngực, lưng và vai sao cho cơ thể vuông góc với sàn nhà. Mắt bạn nên nhìn thẳng về phía trước với cảm giác như đang kéo căng cằm ra và cánh tay của bạn nên tạo thành hình chữ L hoặc V để vung tay một cách tự nhiên giúp cho các cơ phía trước cánh tay không bị căng quá mức.

Thông thường chiều dài sải chân ổn định nhất là bằng chiều cao của bạn trừ đi 100cm, nếu bạn muốn tăng hiệu quả đi bộ thì nên điều chỉnh tốc độ đi phù hợp với thể lực của mình.

Nguồn | Giáo sư Im Jong Yeob Bệnh viện trường đại học Eulji

Other Article